Nước sạch cho một thế giới khoẻ mạnh
|
Chủ đề của ngày Nước thế giới năm nay (22-3) là: “Nước sạch cho một thế giới khoẻ mạnh”. Theo đó, những chủ đề được đưa ra và phát động trên toàn cầu là nhằm bảo đảm môi trường sạch và sức khoẻ tốt cho con người. |
Nếu bạn đang phung phí nước sạch, hãy nhìn những hình ảnh dưới đây và suy nghĩ lại.
Một bé gái ở Kimeka, Ethiopia đang nâng niu và tận hưởng dòng nước ngọt từ một cái giếng mới đào. Cô bé may mắn này nằm trong 10-20% dân số nông thôn ở Ethiopa được tiếp cận với nước sạch. Trên thế giới, cứ trong 7 người thì có 1 người, tức là có hơn 1 tỷ người thiếu nguồn nước sạch để sinh hoạt.
Sau cơn động đất hồi tháng 1 vừa qua, mặc dù đã có nhiều nỗ lực trợ giúp từ quốc tế, người dân ở Haiti vẫn rất khốn đốn, nhất là thiếu nguồn nước sạch.
Người dân ở làng Guangdong, phía nam Trung Quốc đang xếp hàng để chờ tới lượt phát nước sạch. Ở rất nhiều nơi trên thế giới con người vẫn phụ thuộc vào nguồn nước sạch đến từ những chiếc xe tải thay vì là các nguồn nước tự nhiên khác như sông hồ hay nhà máy nước.
Bé gái người Pakistan đang hứng những giọt nước ngọt từ một xe chở nước ở trại tập trung Shah Mansour.
Một phụ nữ Bangladesh đang lấy nước ở một cái hồ phía sau nhà. Mặc dù nước có vẻ trong, nhưng nước từ những nguồn như thế này có thể tiềm ẩn nhiều loại vi khuẩn nguy hiểm. Các bệnh dịch liên quan đến nước đang là một vấn đề gây khủng hoảng cho sức khỏe con người, đặc biệt là ở các nước đang phát triển. Có khoảng 5 ngàn trẻ em chết vì tiêu chảy mỗi ngày.
Chờ xe chở nước là công việc hằng ngày của khoảng 20 triệu cư dân ở thành phố Mexico. Ở những khu vực dân cư có thu nhập thấp, các hộ gia đình không có hệ thống nước đấu nối với hệ thống nước trung tâm của thành phố, hàng tuần họ được cấp một phần nước ít ỏi do xe tải đưa đến. Còn những khu dân cư khá hơn một chút thì có hệ thống nước vào nhà nhưng mỗi tuần vòi chỉ chảy có 1 tiếng. Tệ hơn nữa là hệ thống ống cũ nát, thủng dột đã phung phí khoảng 25% lượng nước quý giá của thành phố vào trong đất.
Nhà vệ sinh ở Bangladesh. Đây là nguồn truyền nhiễm bệnh chính ở những khu vực nghèo trên thế giới. 40% dân số thế giới không có hệ thống nhà xí đủ tiêu chuẩn để sử dụng. Những nhà xí như trên làm nhiễm bẩn nguồn nước sinh hoạt, gây ra các dịch bệnh nguy hiểm như dịch tả, thương hàn, lỵ làm ảnh hưởng đến sức khỏe của khoảng 17 triệu người trên thế giới mỗi năm.
Dân làng Maharashtra ở Ấn Độ đến cái giếng này để lấy nước về sinh hoạt mỗi ngày. Ở những khu vực đang phát triển trên thế giới, phụ nữ và trẻ em phải đi bộ khoảng 6km đến nguồn nước và vận chuyển những thùng chứa khoảng 20 lít nước đi bộ trở về nhà. Công việc này tốn quá nhiều thời gian và công sức nên ảnh hưởng rất nhiều đến giáo dục và việc kiếm sống.
Một phụ nữ Ghana đang bơm nước và chuẩn bị đong đầy những thau chậu đang xếp hàng. Cô còn may mắn hơn rất nhiều phụ nữ châu Phi khác phải đi bộ khoảng 6 cây số để lấy nước.
Một vòi nước từ xe chở nước đang bị dân làng “tấn công”. Mặc dù Ấn Độ đã có nhiều cố gắng trong việc cải cách chế độ đẳng cấp, nhưng người Dalit – bị coi là tầng lớp dưới của xã hội - vẫn bị tước đoạt nhiều quyền lợi cơ bản, trong đó có quyền được lấy nước từ những cái giếng mà những tầng lớp khác đang sử dụng.
Ở nhiều nước nghèo trên thế giới, những người nghèo nhất phải trả cái giá cao nhất để mua được nước từ nguồn nước bị kiểm soát bởi những chính quyền tham nhũng hay những tay “mafia nước” tư nhân.
(sưu tầm từ Intenet)